CÔNG TY CỔ PHẦN DỊCH VỤ DU LỊCH WIL-TRAVEL
Du Lịch Nước Ngoài
Du Lịch Trong Nước

Điểm du lịch

Huế

Chùa Thiên Mụ

Tên của ngôi chùa bắt nguồn từ một huyền thoại. Chuyện kể rằng, từ xa xưa, dân địa phương đêm đêm thường thấy một bà già mặc áo đỏ, quần lục xuất hiện trên ngọn đồi nơi chùa tọa lạc ngày nay và nói: rồi sẽ có chân chúa đến lập chùa ở đây để tụ khí cho bền long mạch. Khi nói xong, bà biến mất. Sau khi vào trấn Thuận Hoá, chúa Nguyễn Hoàng một lần đi qua, nghe kể chuyện đã cho xây chùa và đặt tên là Thiên Mụ Tự.

Năm 1601, chùa được xây dựng. Năm 1665, chúa Nguyễn Phúc Tần cho trùng tu. Năm 1710, chúa Nguyễn Phúc Chu cho đúc quả đại hồng chung cao 2,5m nặng 3.285kg, và năm 1715, chúa lại cho xây dựng tấm bia cao 2,58m đặt trên lưng con rùa bằng cẩm thạch. Vào thời Nguyễn, các vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Thành Thái đều cho trùng tu chùa.

Tháp Phước Duyên (ban đầu được đặt tên là tháp Từ Nhân) được vua Thiệu Trị cho xây vào năm 1844. Tháp hình bát giác cao 7 tầng (21m).

Ðiện Ðại Hùng là ngôi chính điện trong chùa, một công trình kiến trúc đồ sộ nguy nga. Trong điện, ngoài những tượng phật bằng đồng sáng chói còn treo một khánh đồng được đúc năm 1677 và một bức hoành phi bằng gỗ sơn son thếp vàng do tự tay chúa Nguyễn Phúc Chu đề tặng năm 1714. Hai bên chùa có nhà trai, nơi các sư tĩnh dưỡng và nhà khách để đón khách đến vãn cảnh chùa.

Trước các điện, quanh chùa là các vườn hoa cây cảnh xanh tươi, rực rỡ. Phía sau cùng là vườn thông tĩnh mịch, phong cảnh nên thơ. Chùa bị hư hỏng nặng năm 1943. Từ năm 1945, Hoà thượng Thích Ðôn Hậu đã tổ chức công cuộc đại trùng tu kéo dài hơn 30 năm.

Ngày nay chùa vẫn được tiếp tục chỉnh trang ngày càng huy hoàng, tráng lệ, luôn hấp dẫn và thu hút đông đảo du khách gần xa.

Lăng vua Khải Định (Ứng Lăng)

Lăng vua Khải Định thuộc xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế, cách Tp. Huế 10km. Lăng Khải Định có diện tích nhỏ hơn so với lăng của các vua tiền nhiệm nhưng công phu, lộng lẫy hơn; kết hợp tinh xảo hai nền kiến trúc, văn hoá Đông - Tây.

Vào lăng phải vượt qua hệ thống của 37 bậc với thành bậc đắp rồng to lớn nhất cả nước, trên sân có hai dãy Tả - Hữu tòng tự, ở hai bên xây kiểu chồng diêm hai lớp, tám mái, song các vì kèo lại bằng xi măng cốt thép.

Vượt 29 bậc nữa lên tầng sân bái đình, ở giữa có nhà bia Bát giác xây bê tông cốt thép hoà trộn cổ kim, trong đó có bia đá. Hai bên sân, mỗi bên có 2 hàng tượng cùng nhìn vào giữa sân. Ngoài tượng như ở các lăng khác, còn có thêm 6 cặp tượng linh túc vệ, từng đôi tượng cùng loại ở cạnh nhau được làm đối xứng và cùng đối xứng với đôi tượng phía đối diện. Các tượng này làm bằng chất liệu đá hiếm trong lăng Khải Ðịnh và đều có khí sắc. Hai cột trụ biểu cao to.

Qua 3 lớp nền là đến điện thờ. Từ sân lên cửa điện còn phải qua 15 bậc nữa. Ðiện Khải Thành là phòng chính của cung Thiên Ðịnh, có nhiều phòng liên hoàn. Các điện tường phẳng được trang trí dày đặc bằng nghệ thuật khảm kính sứ. Cùng với tranh trên tường, dưới nền lát gạch men hoa và trên trần vẽ Cửu long ẩn hiện trong mây. Cả không gian 6 mặt đã tạo nên một thế giới nghệ thuật.

Lăng vua Minh Mạng

Lăng vua Minh Mạng thuộc địa phận núi Cẩm Kê, xã Hương Thọ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế, gần ngã ba Bằng Lãng, nơi hợp lưu nguồn Tả Trạch và Hữu Trạch tạo thành sông Hương chảy qua Tp. Huế. Lăng cách Tp. Huế 12km. Lăng Minh Mạng là một tổng thể kiến trúc quy mô gồm khoảng 40 công trình lớn nhỏ. Lăng Minh Mạng toát lên vẻ đường bệ, uy nghiêm nhưng rất hài hòa giữa các công trình kiến trúc và thiên nhiên.

Lăng được khởi công xây dựng vào tháng 9/1840.

Ðến tháng 1/1841 công trình đang xúc tiến thì Minh Mạng lâm bệnh mất, vua Thiệu Trị lên nối ngôi và tiếp tục cho xây dựng lăng theo đúng thiết kế cũ. Tháng 8/1841, thi hài vua Minh Mạng được đưa vào chôn ở Bửu Thành. Ðến năm 1843 thì việc xây lăng mới hoàn tất.

Lăng Minh Mạng là một tổng thể kiến trúc qui mô gồm khoảng 40 công trình lớn nhỏ gồm Cung điện, Lâu đài, Đình tạ... được bố trí cân đối trên một trục dọc từ Ðại Hồng Môn (ở ngoài cùng) tới chân tường của La Thành sau mộ vua.

Các công trình được phân bố trên ba trục lớn song song với nhau mà đường Thần Ðạo là trung tâm. Tổng thể của lăng được chia ra:

Ðại Hồng Môn là cổng chính vào lăng. Cổng có 3 lối đi với 24 mái lô nhô cao thấp và các trang trí rất đẹp. Cổng chính chỉ mở một lần để đưa quan tài của vua vào lăng, muốn ra vào phải qua hai cổng phụ là Tả Hồng Môn và Hữu Hồng Môn.

Bi Đình, sau Ðại Hồng Môn là sân rộng, có 2 hàng tượng quan viên, voi ngựa. Bi Đình nằm trên đồi Phụng Thần Sơn, bên trong có bia "Thánh Ðức Thần Công" do vua Thiệu Trị viết về tiểu sử và công đức của vua cha.

Khu vực tẩm điện (nơi thờ cúng vua): đi tiếp là sân triều lễ được chia làm 4 bậc. Mở đầu khu vực tẩm điện là Hiểu Ðức Môn; điện Sùng Ân nằm ở trung tâm thờ bài vị của vua và bà Tá Thiên Nhân Hoàng hậu. Hoàng Trạch Môn là công trình kết thúc khu vực tẩm điện và ngát thơm hoa đại.

Lầu Minh Lâu: đi tiếp qua ba cây cầu Trung Ðạo (giữa), Tả Phụ (trái), Hữu Bật (phải) bắc qua hồ Trường Minh là đến lầu Minh Lâu (lầu sáng) xây dựng trên quả đồi có tên là Tam Ðài Sơn. Toà nhà có hình vuông, hai tầng, tám mái. Hai bên Minh Lâu về phía sau là hai trụ biểu dựng trên hai quả đồi Bình Sơn và Thành Sơn. Phía sau Minh Lâu là hai vườn hoa hình chữ Thọ đối xứng nhau qua đường Thần đạo.

Bửu Thành (thành quanh mộ): hồ Tân Nguyệt hình trăng non ôm lấy Bửu Thành hình tròn nằm ở giữa. Qua cầu Thông Minh Chính Trực bắc qua hồ Tân Nguyệt có 33 bậc đá thanh là đến nơi yên nghỉ của nhà vua nằm giữa trung tâm quả đồi mang tên Khai Trạch Sơn được giới hạn bởi Bửu Thành hình tròn.

Lăng Minh Mạng với Bi Đình, Hiểu Đức Môn, điện Sùng Ân và Minh Lâu và gần 60 ô chữ chạm khắc các bài thơ trên đó là một bảo tàng thơ chọn lọc của nền thi ca Việt Nam đầu thế kỷ 19…

Ngoài tính cách đăng đối uy nghi, đường bệ, lăng Minh Mạng còn có những nét quyến rũ của thiên nhiên đã được cải tạo để làm bối cảnh cho các công trình kiến trúc.

Lăng vua Tự Ðức (Khiêm Lăng)

Lăng vua Tự Ðức tọa lạc tại xã Thủy Biều, Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Lăng được xây dựng vào năm 1864 và hoàn thành vào năm 1867 trên diện tích 475ha. Khác với các lăng được xây dựng cân đối, lăng Tự Đức được xây dựng phóng khoáng, hài hoà với thiên nhiên có sẵn phản ánh tâm hồn lãng mãn của vị vua thi sĩ này.

Vua sinh năm 1829, lên ngôi năm 20 tuổi (1848). Sau đó 10 năm, vì triều đình Huế áp dụng chính sách đối ngoại hẹp hòi, thực dân Pháp tấn công Ðà Nẵng (1858) rồi vào đánh chiếm Gia Ðịnh (1859) và một số tỉnh khác ở Nam Kỳ (1862)… vua Tự Ðức đã là người hấp thụ khá đầy đủ nền văn hóa và triết học Ðông phương với một mâu thuẫn nội tại của nó giữa cái tích cực lúc trẻ và tiêu cực lúc già, giữa sự sống và cái chết. Càng thất bại trước việc nước nhà khi càng luống tuổi, ông càng bi quan yếm thế. Nhà vua nghĩ đến cái chết tất nhiên sẽ đến với đời mình, và để vơi bớt những dằn vặt khổ đau trong những quãng đời còn lại, cho nên hạ lệnh xây dựng lăng tẩm như một hoàng cung thứ hai để thỉnh thoảng lên đây tiêu khiển, nghỉ ngơi, và cũng để làm "ngôi nhà lâu đài của trẫm" (vi ngô vĩnh vũ, trích bài Khiêm Cung Ký).

Ðứng trong thời đại ngày nay nhìn lại hoàn cảnh khó khăn bấy giờ của đất nước, qui mô kiến trúc lớn lao tốn kém của lăng vua, và các danh xưng Khiêm cung, Khiêm Lăng được dùng để đặt tên cho nó, chúng ta thấy đó cũng là một mâu thuẫn nội tại khó biện minh được của chính nhà vua.

Nhưng dù sao sau khi xây lăng xong, vua Tự Ðức cũng còn sống thêm 16 năm nữa, cho đến năm 1883, thọ 55 tuổi.

Sau khi các quan chuyên môn về địa lý đi coi đất và chọn được vị trí ở làng Dương Xuân Thượng, vua Tự Ðức đã “chuẩn định” đồ án kiến trúc lăng tẩm theo sở thích của mình vào tháng 10/1864. Nhưng còn phải coi ngày cho tốt nữa, nên đến tháng 12 năm ấy mới khởi công xây dựng.

Toàn bộ công tác kiến trúc lăng tẩm này được dự liệu sẽ thi công trong 6 năm với 3.000 lính và thợ, và họ sẽ được thay phiên về nghỉ 3 tháng một lần. Nhưng viên Biện lý bộ Công bấy giờ là Nguyễn Văn Chất tâu xin thực hiện trong 3 năm mà thôi. Triều đình cử ông và thống chế Lê Văn Xa ở bộ Binh đứng ra coi sóc việc thi công.

Ðã không được thay phiên nhau về nghỉ lại bị cưỡng chế, tăng cường sức lao động đến mức tối đa trong những điều kiện tối thiểu, 3.000 lính và thợ bất mãn ấy đã nghe theo tiếng gọi nổi dậy của Ðoàn Trưng. Ðêm 16 rạng ngày 17/9/1866 họ dùng chiêu bài tôn phò "Ngũ đại hoàng tôn" kéo về Kinh thành để lật đổ ngài vàng của vua Tự Ðức nhằm đưa Ưng Ðạo, cháu nội 5 đời của vua Gia Long lên ngôi, nhưng khi vào đến được điện Thái Hòa thì bị quân của triều đình phản ứng mạnh, nên thất bại. Cuộc nổi loạn bị dập tắt hoàn toàn. Một tai nạn của vua Tự Ðức đã qua đi, nhưng uy tín của nhà vua bị tổn thương không ít, vì đây không phải là một cuộc ngoại xâm, mà là một cuộc nổi biến ngay giữa lòng triều đình Trung Ương.

Trong số 13 vua Nguyễn, vua Tự Đức là người uyên thâm nhất về nền học vấn Ðông Phương, nhất là Nho học. Vua giỏi về cả sử học, triết học, văn học nghệ thuật và đặc biệt là rất sính thơ. Vua đã để lại 600 bài văn và 4.000 bài thơ văn chữ Hán và khoảng 100 bài thơ chữ Nôm. Thơ văn nhà vua phản ánh một con người nhân hậu, một tâm hồn đa cảm, một tư chất hâm mộ nghệ thuật. Tư chất ấy cũng biểu lộ rõ trên nghệ thuật kiến trúc của lăng vua. Sử cho biết chính nhà vua đã "chuẩn định" (décider) mô thức xây dựng nó. Trong vòng La thành rộng khoảng 12ha, gần 50 công trình kiến trúc lớn nhỏ dàn trải thành cụm trên những thế đất phức tạp cao thấp hơn nhau chừng 10m. Nhưng, các hệ thống bậc cấp lát đá thanh, các lối đi quanh co lát gạch Bát Tràng đã nối tất cả các công trình kiến trúc lại thành một thể thống nhất, tương quan, gần gũi.

Qua khỏi Khiêm Cung Môn, cửa tam quan hai tầng dựng trên một thế đất cao, người ta bước vào một hệ thống cung điện gồm vài chục tòa nhà lớn nhỏ và các công trình kiến trúc phụ thuộc.

Tòa ngang dãy dọc nơi đây đã được dành cho vua và đoàn cung nữ tùy tùng thỉnh thoảng lên ở lại vui chơi. Minh Khiêm Ðường - nhà hát cổ xưa và mang giá trị nghệ thuật kiến trúc trang trí. Ðiện Hòa Khiêm - nơi thờ đế và hậu, hiện còn chứa nhiều đồ ngự dụng và các tác phẩm mỹ thuật đương thời.

Nếu nhà cửa ở Khiêm Cung đều làm bằng gỗ thì tất cả các công trình kiến trúc ở khu vực lăng mộ bên kia đều được xây bằng gạch, đá. Ðáng để ý nhất là tấm bia lớn nhất Việt Nam cao chừng 5m, được bảo vệ bằng một tòa nhà đồ sộ kiên cố với cột to, vách dày và xây cửa cuốn. Các nhà kiến trúc đã cho xây Bi đình bằng vật liệu và kiểu thức như vậy là dùng để chống chọi với thời gian. Trên ngọn đồi nằm bên kia hồ bán nguyệt Tiểu Khiêm Trì là Bửu Thành xây bằng gạch và chính giữa có ngôi nhà nhỏ xây bằng đá thanh, nơi vua yên nghỉ. Bửu thành được bao phủ bởi một rừng thông xanh ngắt, reo vi vu suốt bốn mùa.

Ngoài ra, hệ thống tháo thoát trong toàn lăng tẩm đã được thiết kế, xây dựng một trình độ cao, và lưu thông rất tốt. Nhìn chung, mỗi công trình kiến trúc trong lăng Tự Ðức đều mang một đường nét khác nhau về nghệ thuật tạo hình: không trùng lặp và rất sinh động. Cách phân bố các khu vực và bố cục các công trình kiến trúc trong từng khu vực ở lăng Tự Ðức đã phá bỏ hệ thông lệ giữ gìn sự đối xứng từng cổ điển ở một số lăng khác. Tại đây còn có những lối đi uốn lượn mềm mại theo thế đất tự nhiên hoặc do bàn tay con người tạo dáng. Ðường nét kiến trúc thật phóng khoáng, hài hòa thiên nhiên có sẵn, hoặc cải tạo lại cho phù hợp với nghệ thuật kiến trúc phong cảnh.

Nếu phá vỡ sự đối xứng cũng là một nét đẹp trong nghệ thuật thì lăng Tự Ðức có thêm nét đẹp đó. Kiến trúc và thiên nhiên ở đây gây được nhiều cảm xúc thẩm mỹ mới lạ cho người đến tham quan, và phản ánh được tâm hồn lãng mạn trữ tình của một ông vua thi sĩ.

Lăng Tự Ðức là một bài thơ tuyệt tác, một bức tranh sơn thủy hữu tình, gợi cho du khách một "hồn êm thơ mộng".

Kinh thành Huế

Kinh thành Huế nằm ở bờ bắc sông Hương và thuộc địa phận Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Kinh thành Huế được xây dựng theo kiến trúc của phương Tây kết hợp một cách tài tình với kiến trúc thành quách phương Đông.

Huế từ xa xưa đã được các chúa Nguyễn chọn làm thủ phủ của xứ "Ðàng Trong" và chính thức trở thành kinh đô dưới triều Tây Sơn. Trong gần 4 thế kỷ, Huế đã trở thành một quần thể di tích kiến trúc và thắng cảnh vĩ đại, tổng thể di tích này đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới.

Kinh thành Huế - tổng thể kiến trúc của Cố đô Huế được xây dựng trên một mặt bằng diện tích hơn 500ha và được giới hạn bởi 3 vòng thành theo thứ tự ngoài lớn, trong nhỏ: Kinh Thành, Hoàng Thành và Tử Cấm Thành.

Tổng thể kiến trúc này dùng núi Ngự Bình làm tiền án và dùng hai hòn đảo nhỏ trên sông Hương là Cồn Hến và Dã Viên làm 2 yếu tố phong thuỷ rồng chầu hổ phục (Tả Thanh Long, Hữu Bạch Hổ) để bảo vệ Cố đô.

Kinh Thành Huế: Do vua Gia Long xây dựng từ năm 1805 và sau này được vua Minh Mạng tiếp tục hoàn thành vào năm 1832. Tại đó các vua triều Nguyễn đã cho xây dựng khá nhiều thành quách, cung điện và các công trình của hoàng gia. Trải qua gần 200 năm khu kinh thành hiện nay còn hầu như nguyên vẹn với gần 140 công trình xây dựng lớn nhỏ.

Hoàng Thành (Ðại Nội): Nằm ở khoảng giữa kinh thành là nơi đặt các cơ quan cao nhất của chế độ quân chủ và là nơi thờ tự các vua chúa đã quá cố. Hoàng Thành có mặt bằng gần vuông, mỗi bề khoảng 600m, xây bằng gạch, cao 4m, dày 1m, xung quanh có hào bảo vệ, có 4 cửa để ra vào, riêng Ngọ Môn chỉ dành để cho vua đi. Ðại Nội gồm có hơn 100 công trình kiến trúc đẹp được chia ra nhiều khu vực:

Từ Ngọ Môn đến Điện Thái Hoà: nơi cử hành các lễ lớn của triều đình.

Triệu Miếu, Thái Miếu, Hưng Miếu, Thế Miếu và Điện Phụng Tiên: nơi thờ các vua chúa nhà Nguyễn.

Phủ Nội Vụ: nhà kho tàng trữ đồ quý, xưởng chế tạo đồ dùng cho hoàng gia.

Vườn Cơ Hạ và Điện Khâm Văn: nơi các hoàng tử học tập và chơi đùa.

Tử Cấm Thành: là vòng thành nằm trong Hoàng Thành ngay sau lưng Điện Thái Hoà. Tử Cấm Thành dành riêng cho vua và gia đình vua. Tử Cấm Thành được xây dựng năm 1804. Thành cao 3,72m xây bằng gạch, dày 0,72m, chu vi khoảng 1.230m, phía trước và phía sau dài 324m, trái và phải hơn 290m, bao gồm gần 50 công trình kiến trúc lớn nhỏ và có 7 cửa ra vào. Ðại Cung Môn là cửa chính ở mặt tiền chỉ dành cho vua đi vào. Cần Chánh (nơi vua làm việc hàng ngày). Càn Thành (nơi vua ở), Cung Khôn Thái (chỗ ở của Hoàng Quý Phi). Duyệt Thị Ðường (nhà hát), Thượng Thiện (nơi nấu ăn cho vua), Thái Bình Lâu (nơi vua đọc sách) …

Ngoài ra Huế còn nổi tiếng bởi khu lăng tẩm của các vua nhà Nguyễn. Bảy lăng, mỗi lăng mang một sắc thái riêng nhưng đều là những kỳ công tạo tác của con người phối hợp với cảnh trí thiên nhiên hùng vĩ tươi đẹp và thơ mộng của xứ Huế.

Cố đô Huế với sông Hương, núi Ngự và các cung điện lâu đài, lăng tẩm, đền, miếu, chùa chiền đã có hàng mấy trăm năm lịch sử giờ đây đang được nhân dân Việt Nam cùng cộng đồng Quốc tế đóng góp công sức và tiền của để tôn tạo tu bổ giữ cho kiến trúc cố đô Huế mãi mãi là di sản văn hoá của nhân loại.

Núi Ngự Bình

Núi Ngự Bình thuộc Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế, cách kinh thành Huế khoảng 3km. Ngự Bình có dạng hình thang, đỉnh bằng phẳng, có thế bình phong che chở cho kinh thành Huế.

Núi Ngự Bình cao 105m, dáng cân đối, uy nghi. Hai bên Bằng Sơn có hai ngọn núi nhỏ chầu vào gọi là Tả Bật Sơn và Hữu Bật Sơn. Vương triều Nguyễn được thành lập, quyết định xây dựng kinh thành Huế, thấy Bằng Sơn như một bức bình phong án ngữ trước mặt, Gia Long chấp nhận đồ án của các thầy địa lý: chọn núi này làm tiền án của hệ thống phòng thành đồ sộ, kiên cố và đổi tên cho ngọn núi này là Ngự Bình.

Cùng với sông Hương, núi Ngự Bình là quà tặng vô giá thứ hai của tạo hoá, quyện vào nhau tạo nên vẻ sơn thuỷ hữu tình của Huế. Từ lâu, ngọn núi xinh đẹp này cùng với sông Hương trong xanh đã trở thành biểu tượng của thiên nhiên Huế. Người ta quen gọi Huế là xứ sở của sông Hương núi Ngự, miền Hương Ngự cũng vì vậy.

Sông Hương

Dòng sông thơ mộng chảy qua Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Sông Hương đẹp từ nguồn, uốn lượn quanh co giữa núi rừng, đồi cây mang theo những mùi vị hương thơm của thảo mộc rừng nhiệt đới.

Sông Hương có hai ngọn nguồn. Nguồn tả trạch xuất phát từ dãy núi Trường Sơn chảy về hướng tây bắc qua 55 ngọn thác hùng vĩ, rồi từ từ chảy qua ngã ba Bằng Lãng; nguồn Hữu Trạch ngắn hơn sau khi vượt 14 ngọn thác hiểm trở và qua bến đò Tuần thì đến ngã ba Bằng Lãng hợp dòng với Tả Trạch thành sông Hương thơ mộng. Sông Hương dài 30km nếu chỉ kể từ Bằng Lãng đến cửa Thuận An, độ dốc của dòng nước so với mặt biển không chênh lệch nhiều nên nước sông chảy chậm.

Sắc nước sông Hương trở nên xanh hơn khi vượt qua chân núi Ngọc Trản - điện Hòn Chén, tạo nên một lòng vực sâu thẳm.

Sông Hương đẹp từ nguồn, uốn lượn quanh co giữa núi rừng, đồi cây mang theo những mùi vị hương thơm của thảo mộc rừng nhiệt đới. Dòng sông chầm chậm lướt qua các làng mạc xanh tươi, rợp bóng cây của Kim Long, Nguyệt Biều, Vĩ Dạ, Ðông Ba, Gia Hội, Chợ Dinh, Nam Phổ, Bao Vinh, quyện theo mùi thơm của các loài hoa xứ Huế. Dòng sông xanh trong vắt lung linh như ngọc bích dưới ánh mặt trời, những con thuyền Huế xuôi ngược, dọc ngang với điệu hò man mác, trầm tư, sâu lắng giữa đêm khuya. Ði chơi bằng thuyền để được ngắm cảnh Hương Giang thơ mộng, nghe những điệu hò, dân ca xứ Huế lúc trời đêm thanh vắng là thú vui muôn thuở của bao lớp du khách…

Chợ Đông Ba

Chợ Đông Ba nằm dọc theo bờ bắc sông Hương, bên đường Trần Hưng Đạo, thành phố Huế, cách cầu Trường Tiền khoảng 100m về phía Bắc. Chợ Đông Ba là trung tâm thương mại lớn nhất của tỉnh Thừa Thiên - Huế và khu vực.

Những tinh tuý văn hoá vật chất của Thừa Thiên - Huế còn giữ được cho đến nay đều có thể tìm thấy ở chợ Ðông Ba như: nón lá Phú Cam, dao kéo Hiền Lương, đồ kim hoàn Kế Môn, mè xửng Song Hỷ, dâu Truồi, chè Tuần, quít Hương Cần, thanh trà Lại Bằng, sen khô hồ Tịnh, hàng mã hoa giấy làng Sình… và cả những món ăn Huế truyền thống, bình dân như: cơm hến, bún bò, bánh lá, chả tôm, bánh khoái, chè đậu ván...Chợ Ðông Ba đã trở thành trung tâm cung cấp những sơn hào hải vị cho các nhà hàng, khách sạn quốc tế, bán các món đặc sản Huế cho khách du lịch từ bốn bể năm châu đến tham quan di sản thế giới tại Huế.

Ngày nay chợ Ðông Ba giữ một vai trò quan trọng trong nền kinh tế thị trường. Ngoài nhiệm vụ cung cấp thực phẩm và hàng tiêu dùng cho thành phố, chợ Ðông Ba còn là nơi tạo việc làm cho hàng ngàn người thất nghiệp và đóng vào ngân sách nhà nước mỗi năm hàng chục tỷ đồng tiền thuế. Chợ Ðông Ba, cầu Trường Tiền cùng với sông Hương là biểu tượng của xứ Huế thơ mộng

TOP