CÔNG TY CỔ PHẦN DỊCH VỤ DU LỊCH WIL-TRAVEL
Du Lịch Nước Ngoài
Du Lịch Trong Nước

Điểm du lịch

SaPa

Đỉnh Phan Si Păng – nóc nhà Việt Nam

Phan Si Păng nằm trong dãy núi Hoàng Liên Sơn, về phía tây nam thị trấn Sa Pa, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Phan Si Păng là ngọn núi cao nhất trong dãy núi Hoàng Liên Sơn với độ cao 3.143m. Đây là một bảo tàng thiên nhiên kỳ vĩ, ẩn chứa cả một thảm thực vật với nhiều loài đặc hữu.

Với chiều dài 280km từ Phong Thổ đến Hòa Bình, chiều ngang chân núi rộng nhất khoảng 75km, hẹp là 45km, gồm ba khối, khối Bạch Mộc Lương Tử, khối Phan Si Păng và khối Pú Luông. Cả mái nhà đồ sộ này ẩn chứa bao điều kỳ lạ, nhưng kỳ lạ và bí ẩn nhất, chính là đỉnh Phan Si Păng …

Dưới chân núi là những cây gạo, cây mít, cây cơi với mật độ khá dầy tạo nên những địa danh Cốc Lếu (Cốc Gạo), Cốc San (Cốc Mít)…Từ đây đến độ cao 700m là vành đai nhiệt đới có những vạt rừng nguyên sinh rậm rạp, dây leo chằng chịt. Từ 700m trở lên là tầng cây hạt trần như cây pơmu, có những cây ba, bốn người ôm không xuể, cao khoảng 50-60m, tuổi đời tới vài trăm năm. Pơmu (ngọc am) được mệnh danh là mỏ vàng của Lào Cai. Bên cạnh pơmu, còn nhiều loại gỗ quý hiếm khác như: lãnh sam, thiết sam, liễu sam, kim sam, thông đỏ, hoàng đàn…Các cây lá kim ken đầy với cây gỗ nhỏ trụi, thân luôn sũng nước vì càng lên cao, càng hay mưa, có năm cả Phan Si Păng mưa suốt một tháng liền. Xen lẫn với rừng lá kim, là các loại hoa đỗ quyên, phong lan, hoàng anh rực rỡ. Hầu như bốn mùa, cả Sa Pa đều ngập tràn trong muôn sắc các loài hoa: lay ơn, thược dược, bgônha, estcola… là những thứ hoa dưới đồng bằng hiếm có. Riêng hoa đỗ quyên có tới bốn chi với hai chục loài khác nhau. Có nơi đỗ quyên chi chít, rực rỡ cả núi rừng. Ở nước ta có 111 chi phong lan và 643 loài thì riêng Phan Si Păng có tới 330 loài.

Lên cao 2.400m, gió mây quyện hoà với cây rừng, có lúc xòe tay ta tưởng đã nắm được mây. Từ độ cao 2.800m, mây mù bỗng tan biến, bầu trời quang đãng, trong xanh. Chỉ có gió thổi làm cho thảm thực vật phải dán mình vào đá. Phủ kín mặt đất là trúc lùn, những bụi trúc thấp khoảng 25-30cm, cả thân cây trơ trụi, phần ngọn có một chút lá phất phơ, nên loài trúc này gọi là trúc phất trần. Xen kẽ là một số cây thuộc họ cói, họ hoa hồng, họ hoàng liên…Đất xương xẩu trơ cả gốc, gió thổi không ngớt, khí hậu lạnh giá …

Trên điểm cao 2.963m có cột mốc đánh dấu năm 1905 người Pháp đã tới chinh phục đỉnh cao. Lên cao nữa là một khối đá khổng lồ, được kê lên bởi những hòn đá nhỏ tựa chiếc bàn. Đỉnh Phan Si Păng đấy! Tiếng địa phương gọi "Hua-si-pan", nghĩa là phiến đá lớn khổng lồ nằm chênh vênh. Đỉnh Phan Si Păng cao ngất giữa trời mây được kết cấu bởi những phiến đá như vậy.

Phan Si Păng được ví là nóc nhà Việt Nam và của Đông Dương sừng sững đang chinh phục lòng ham mê leo núi của các du khách ưa mạo hiểm.

Làng Cát Cát ở Sa Pa

Làng Cát Cát thuộc huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, cách trung tâm thị trấn Sa Pa 2km. Làng Cát Cát là bản lâu đời của người Mông, còn lưu giữ nhiều nghề thủ công truyền thống như trồng bông, lanh, dệt vải và chế tác đồ trang sức. Đặc biệt nơi đây còn giữ được khá nhiều phong tục độc đáo mà ở các vùng khác không có, hoặc không còn tồn tại nguyên gốc.

Qua những khung dệt, người Mông tạo nên những tấm thổ cẩm nhiều màu sắc và hoa văn mô phỏng cây, lá, hoa, muông thú... Gắn liền với công đoạn dệt vải bông, vải lanh là khâu nhuộm và in thêu hoa văn, phổ biến là kỹ thuật nhuộm chàm, nhuộm nước tro thảo mộc và cây lá rừng. Vải nhuộm xong được đánh bóng bằng cách lăn vải với khúc gỗ tròn trên phiến đá phẳng có bôi sáp ong.

Ở làng Cát Cát, nghề chế tác đồ trang sức bằng bạc, đồng đã có từ lâu đời và tạo ra những sản phẩm tinh xảo. Quy trình chế tác bạc gồm nhiều công đoạn. Trước hết, họ cho bạc vào nồi trên bễ lò đun đến khi nóng chảy thì rót vào máng. Chờ khi bạc nguội lấy ra dùng búa đập, rèn sao cho thanh bạc có kích cỡ to, nhỏ, dài, ngắn, vuông, tam giác, tròn, dẹt hay kéo thành sợi. Tiếp đó, họ giũa cho thật nhẵn và nếu cần trang trí thì dùng đinh để chạm khắc, tạo hoa văn nổi hoặc chìm rồi mới uốn hình sản phẩm. Cuối cùng là bước đánh nhẵn, làm trắng và bóng. Sản phẩm chạm bạc ở Cát Cát rất phong phú, tinh xảo nhất là đồ trang sức của phụ nữ như: vòng cổ, vòng tay, dây xà tích, nhẫn.

Một điều hấp dẫn du khách khi đến Cát Cát là người Mông ở đây còn giữ được khá nhiều phong tục tập quán độc đáo, chẳng hạn như tục kéo vợ. Khi người con trai quen biết và đem lòng yêu một cô gái, anh ta sẽ tổ chức làm cỗ mời bạn bè và nhờ các bạn lập kế hoạch "kéo" cô gái về nhà một cách bất ngờ, giữ cô trong ba ngày. Sau đó, nếu cô gái đồng ý làm vợ chàng trai thì sẽ tiến hành lễ cưới chính thức. Nếu cô từ chối thì họ cùng nhau uống bát rượu kết bạn và mọi việc trở lại bình thường như chưa có điều gì xảy ra. Lễ cưới người Mông ở Cát Cát thường được tổ chức từ 2 đến 7 ngày.

Kiến trúc nhà cửa người Mông làng Cát Cát còn nhiều nét cổ: nhà ba gian lợp ván gỗ pơmu. Bộ khung nhà có vì kèo ba cột ngang. Các cột đều được kê trên phiến đá tròn hoặc vuông. Vách được lợp bằng gỗ xẻ, có 3 cửa ra vào: cửa chính ở gian giữa, 2 cửa phụ ở hai đầu nhà. Cửa chính luôn được đóng kín, chỉ mở khi có việc lớn như đám cưới, tang ma, cúng ma vào dịp lễ Tết. Trong nhà có không gian thờ, sàn gác lương thực dự trữ, nơi ngủ, bếp và nơi tiếp khách

Làng Cát Cát được hình thành từ giữa thế kỷ 19, các hộ gia đình cư trú theo phương thức mật tập: dựa vào sườn núi và quây quần bên nhau, các nóc nhà cách nhau chừng vài chục mét. Họ trồng lúa trên ruộng bậc thang, trồng ngô trên núi theo phương pháp canh tác thủ công, sản lượng thấp. Phần lớn nhà cửa đều đơn giản, chỉ có một cái bàn, cái giường và bếp lửa nấu nướng…

Làng thổ cẩm Tả Phìn

Làng thổ cẩm Tả Phìn thuộc huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, cách trung tâm thị trấn Sa Pa khoảng 17km về hướng đông. Nơi đây có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc thông qua các lễ hội như tết nhảy của người Dao đỏ, lễ ăn thề, lễ mừng nhà mới của đồng bào các dân tộc, Tả Phìn còn được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến bởi ở đó có một làng nghề thổ cẩm nổi tiếng.

Những năm gần đây, khi du lịch Sa Pa phát triển đã làm xuất hiện một thị trường mua bán các đồ thổ cẩm với nhu cầu mua sắm của khách du lịch ngày càng tăng cao. Nắm bắt được tình hình đó, được sự giúp đỡ của huyện, làng thổ cẩm Tả Phìn đã được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 1998 cho đến nay.

Sản phẩm của làng dệt thổ cẩm Tả Phìn đủ kiểu dáng và sắc màu trông thật bắt mắt. Một vài sản phẩm chính có thể kể đến là: những chiếc ba lô, túi khoác du lịch, những chiếc khăn, túi xách tay, ví đựng tiền, các tấm áo choàng thổ cẩm... với đủ sắc màu rực rỡ. Những sản phẩm này hoàn toàn do bàn tay khéo léo tài hoa của các chị em người Mông, người Dao tạo nên với những đường nét hoa văn được thể hiện qua các họa tiết cây cỏ hoa lá, chim muông thật tinh tế luôn gây được sự tò mò hiếu kỳ và đặc biệt hấp dẫn các khách du lịch đến với Sa Pa. Các sản phẩm hàng hoá làm ra ở đây được "xuất khẩu tại chỗ" bằng cách bán trực tiếp cho khách hoặc có thể bán gián tiếp cho du khách thông qua việc cung cấp các mặt hàng này cho các quầy thổ cẩm ở chợ văn hoá dân tộc, các cửa hàng bán đồ lưu niệm của thị trấn Sa Pa. Tiếng tăm thổ cẩm Tả Phìn đã được vang xa qua những lần triển lãm thổ cẩm ở các hội chợ tại Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh. Nhiều tổ chức, cá nhân từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đă đặt hàng làng thổ cẩm Tả Phìn để bán lại cho khách. Thổ cẩm Tả Phìn còn được xuất khẩu sang cả các thị trường ngoài nước như Mỹ, Pháp, Ðan Mạch…

Thổ cẩm là một món quà không thể thiếu được cho du khách mỗi lần đặt chân tới Sa Pa. Ðối với người dân tộc vùng cao, thổ cẩm không chỉ để dùng trang trí, tô điểm thêm cho sắc đẹp mà còn là vật kỷ niệm của tình yêu hay trong ngày cưới của các đôi trai gái. Những đường nét hoa văn thể hiện trên tấm thổ cẩm là những tinh hoa của nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc làm cho thổ cẩm Sa Pa không thể hoà lẫn được với bất cứ sản phẩm thổ cẩm của vùng nào

TOP