Vịnh Hạ Long
Vịnh Hạ Long là một thắng cảnh nổi tiếng ở vùng biển Ðông Bắc Việt Nam, thuộc tỉnh Quảng Ninh, cách Hà Nội 151km về phía Ðông. Ðây là một trong những điểm du lịch của Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.
Hạ Long là một vịnh kín trong một vùng biển rộng, có diện tích khoảng 1.500km2, có đường bờ biển khúc khuỷu với bãi tắm đẹp - Bãi Cháy - ở ngay trung tâm, và cả một thế giới với hàng nghìn đảo lớn nhỏ, chủ yếu là các đảo đá vôi quần tụ rất tự nhiên. Thế giới trong vịnh Hạ Long thật muôn hình muôn vẻ, nhiều đảo được gọi tên theo hình dáng tự nhiên, như hòn Cóc, hòn con Voi, hòn Gà chọi, hòn Mái nhà… và có nhiều hang động đẹp có tên gọi gắn liền với các truyền thuyết như hang Ðầu Gỗ (còn gọi là hang Dấu gỗ), hang Trinh nữ, động Mê cung ...
Mặt nước Hạ Long ít khi có sóng lớn. Nước biển Hạ Long trong xanh màu ngọc bích. Khí hậu ấm áp, mát mẻ, trong lành. Hạ Long có nhiều đặc sản quý như các loại cá ngon, tôm he, hải sâm, bào ngư, sá sùng... Trên các đảo có nhiều chim thú nhất là gà ri, chim xanh, sơn dương, khỉ, kỳ đà nhiều đảo khai thác được ngọc trai, san hô. Hạ Long có sức hấp dẫn đặc biệt các du khách bằng vẻ đẹp vừa hùng vĩ, vừa duyên dáng thơ mộng. Cảnh sắc Hạ Long không bao giờ đơn điệu, luôn mới ở các góc độ quan sát khác nhau và thay đổi theo thời gian. Khách du lịch đến Hạ Long vào bất kỳ mùa nào trong năm cũng tìm thấy vẻ đẹp riêng đầy quyến rũ đến mê hoặc của nó.
Có thể đến Hạ Long bằng đường bộ, đường thủy hoặc đường sắt. Từ Hạ Long có thể thuận đường đến thăm một số danh lam thắng cảnh khác nằm trong khu vực như đảo Cát Bà, bãi biển Ðồ Sơn, núi Yên Tử (nguồn gốc của Thiền phái Trúc Lâm)... đều là điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam.
Danh sơn Yên Tử
Cái tên Yên Tử bắt nguồn từ tên chùa Ông Yên hay Yên Tự (Yên là tên gọi tắt của đạo sĩ Yên Kỳ Sinh, người đã đến tu hành và đắc đạo ở đây vào thế kỷ X), sau gọi chệch đi là Yên Tử. Yên Tử - đất tổ Phật giáo Việt Nam - một thắng cảnh đã từng in dấu chân biết bao tao nhân mặc khách đến thăm, mở lòng mình giao hòa với thiên nhiên, tìm thi hứng để viết nên những thiên tuyệt bút, như người anh hùng dân tộc.
Đến thăm Yên Tử, du khách tận mắt chứng kiến nơi đã từng ghi dấu ấn một thời gian bỏ triều đình để tu hành của vị vua đầu triều nhà Trần là Trần Thái Tông (1225-1258) vào năm 1237. Rồi bắt đầu từ thế kỷ XIII, nơi đây trở thành một trung tâm tu hành lớn của Phật giáo Việt Nam, bắt đầu bằng việc xuất hiện một thiền phái mà pháp chủ là người Việt Nam- đức vua Trần Nhân Tông (1258- 1308, ở ngôi vua 1279- 1293)- thiền phái Trúc Lâm (trúc lâm: rừng trúc). Đó là phái tu hành không quá câu nệ vào các nghi thức quá rườm rà của việc hành đạo, không trọng lối tu luyện pháp thuật, trừ tà ma... mà coi trọng việc tu tâm, truyền "tâm ấn", chú trọng xem xét việc làm bổn phận của riêng mình, không theo người khác, hướng tới con người vũ trụ hóa, tức là hợp nhất con người với thiên nhiên. Giáo lý của thiền phái Trúc Lâm là sự kết hợp giữa triết học siêu nhiên của Phật giáo với nhân sinh quan của Nho giáo và vũ trụ quan của Lão giáo. Trần Nhân Tông trở thành vị tổ thứ nhất của thiền phái Trúc Lâm, thiền hiệu Hương Vân Đầu đà, Trúc Lâm Điều Ngự. Ông là người đã soạn nhiều sách thiền học, sáng tác nhiều thơ thiền, một số tác phẩm trở thành những áng văn chương của muôn đời, chẳng hạn bài "Sớm xuân" khắc họa khung cảnh thiên nhiên: "Ngủ dậy ngỏ song mây / Xuân về vẫn chửa hay / Phất phơ đôi bướm trắng / Phấp phới cánh hoa bay"; và có những câu thơ hay, mang giá trị tư tưởng cao, như: nói về những chiến công chống giặc ngoại xâm oanh liệt… Tuy là nhà tu hành nhưng ông vẫn được coi là người có tư tưởng nhập thế tích cực vì có nhiều góp ý cho vua đương triều về cách trị quốc, chăn dân; còn sáng tác của ông chứa đựng tinh thần yêu nước, thương dân sâu sắc, luôn gắn việc hành đạo với sự tồn vong của đất nước và dân sinh.
Tiếp theo Trần Nhân Tông, thiền sư Pháp Loa (1284 - 1330) đã trở thành vị tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm khi mới 25 tuổi. Ông là người đã cho xây dựng nhiều chùa, tạc tượng, độ hàng nghìn tăng ni, chủ trì và hoàn thành in bộ Kinh Đại Tạng. Những ngôi chùa do ông chủ trì xây dựng ngoài khu vực Yên Tử có chùa Tháp ở Côn Sơn (Hải Dương), chùa Thanh Mai, chùa Hồ Thiên, đặc biệt là chùa Quỳnh Lâm (Đông Triều), đương thời đặt một tu viện lớn, có pho tượng Di Lặc bằng đồng do thiền sư Không Lộ đúc cao 6 trượng (24 mét), đặt trong tòa điện cao 7 trượng (28 mét).
Vị tổ thứ ba trong "Trúc Lâm tam tổ "là thiền sư Huyền Quang, tên thật là Lý Đạo Tái (1254-1334), vốn dòng dõi nhà quan, mới 20 tuổi đã đỗ tiến sĩ, từng làm việc ở Hàn Lâm viện, sau xuất gia tu hành. Ông đã soạn thảo nhiều sách giảng kinh, sách giáo khoa Phật, được vua Trần đương triều đánh giá: "Các sách vở nói về đạo Phật do chính Huyền Quang viết ra thì không nên thêm bớt một chữ nào". Ông còn là một nhà thơ lớn với những tác phẩm mang đậm thi hứng thiền nhưng vẫn gân gũi với đời sống, trang nhã, giàu lòng nhân ái và tình yêu thiên nhiên.
Yên Tử, đất tổ Phật giáo Việt Nam, nơi hành hương của các tăng ni phật tử gần xa, cũng là nơi du khách tìm về để làm giàu thêm vốn hiểu biết địa lý, lịch sử để thêm yêu thiên nhiên đất nước, quý trọng những trang sử hào hùng; những di sản văn hóa, tinh thần mà cha ông để lại