Tam Cốc - Bích Động
Nằm trên địa phận xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, Tam Cốc là ba hang đá có tên gọi là hang Cả, hang Hai, hang Ba. Từ xã Ninh Hải, du khách muốn tới thăm Tam Cốc chỉ có thể đi bằng một con đường thuỷ duy nhất và cũng không mất nhiều thời gian, khách tham quan có thể vào thăm động.
Ngồi trên thuyền, chúng ta có dịp được ngắm cảnh vật hai bên bờ sông. Cảnh núi và sông tạo nên một bức tranh thiên nhiên thật đẹp, núi nghiêng mình soi bóng xuống dòng sông xanh. Đến núi Kiều, những cánh đồng lúa nằm thấp thoáng sau những vách núi dựng đứng, tiếng gió luồn qua những khe núi hoà quyện với tiếng chim hót làm cho cảnh vật đã thơ mộng lại càng thơ mộng. Đi khoảng 2 km là đến được hang Cả.
Đến đây vào những ngày trời nắng, ta được ngắm một bức tranh thuỷ mặc thật đẹp. Đẹp nhất vẫn là những buổi sáng sớm khi mặt trời vừa mọc, những tia nắng chiếu sáng qua hang tạo nên cảnh vật đã lung linh lại càng huyền diệu. Hang Cả có nhiều nhũ đá thật đẹp, nhũ đá tạo nên những tượng Phật Bà Quan Âm, Lão Vọng câu cá, dòng sữa mẹ không bao giờ cạn… Sau khi chiêm ngưỡng những cảnh đẹp ở hang Cả, thuyền lại nhẹ trôi đưa du khách tới hang Hai. Toàn bộ hang dài chừng 60m. ở đây có nhiều nhũ đá tạo thành những đám mây như đang bay lơ lửng trên không trung. Từ hang Hai đến hang Ba khoảng 100m, hang này dài khoảng 50m. Cũng giống như hai hang trước, hang Ba cũng có những cảnh đẹp làm mê lòng người.
Chiêm ngưỡng xong cảnh vật tại Tam Cốc, thuyền lại nhẹ trôi đưa du khách tới Bích Động (Động xanh). Khi du khách còn đang ngây ngất với những cảnh đẹp tại Tam Cốc, toàn bộ cảnh vật của Bích Động đã hiện ra trước mắt. Nếu ở Tam Cốc đã lôi cuốn chúng ta bằng những cảnh tự nhiên, tới đây không chỉ những cảnh đẹp của thiên nhiên mới có sức lôi cuốn mà cả những cảnh nhân tạo cũng có sức hấp dẫn không kém. Đó là chùa Bích Động được xây theo kiểu chữ Tam (ba toà), dọc theo sườn núi từ thấp đến cao. Gồm chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng. Chùa Bích Động được xây theo kiểu kiến trúc cổ như những ngôi chùa khác ở Việt Nam. Nét cổ kính tạo nên sự trang nghiêm cho chùa.
Đi qua cầu Thạch Kiều, ta tới được chùa Hạ. Cột thềm, lan can chủ yếu được xây bằng đá tảng mài nhẵn, mái chùa lợp bằng ngói mũi hài. Khu chùa hạ rộng khoảng 3 mẫu. Trước cửa là một sân gạch rộng, hai bên là hai dãy nhà trái, mỗi dãy 8 gian. Men theo sườn núi phía bên phải chùa là lối lên chùa Trung. Sau khoảng 80 bậc đá, du khách tới chùa Trung, nó ở lưng chừng núi. Và chùa có một nét đặc biệt là một nửa nằm sâu trong núi, một nửa để lộ thiên. leo tiếp khoảng 20 bậc nữa là tới động tối. Đây là động tối thâm nghiêm và tĩnh mịch. Tại cửa động có một chiếc cầu hình cầu vồng gọi là cầu Giải Oan cùng với một quả chuông đồng được đúc vào năm 1707. Đi qua động tối có lối lên chùa Thượng. Từ chùa này phóng tầm mắt ra xa ta thấy cả một khoảng trời rộng lớn. Cảnh vật như được thu vào trong tầm mắt, nó vừa hùng vĩ, vừa huyền ảo. Rời nơi đây, nhiều du khách còn nuối tiếc một cái gì đấy.
Toàn bộ tour này kéo dài trong một ngày. Chuyến thăm quan bắt đầu từ 06h, xe của Công ty du lịch đón du khách tại điểm hẹn, 19:00 xe về đến Hà Nội kết thúc một ngày đầy bổ ích và lý thú.
Cố Ðô Hoa Lư
Hoa Lư là kinh đô của nước Ðại Cồ Việt (tên xa xưa của nước Việt Nam) có cách đây gần 10 thế kỷ thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, cách thủ đô Hà Nội gần 100 km về phía Nam.
Cố đô Hoa Lư trước đây rộng khoảng 300 ha được bao quanh bởi hàng loạt núi đá vòng cung, cảnh quan hùng vĩ. Khoảng trống giữa các sườn núi được xây kín bằng đất ken gạch, chân thành có gạch bó, đắp cao từ 8-10 mét. Kinh đô Hoa Lư bao gồm Thành Ngoại, Thành Nội và Thành Nam.
Thành Ngoại rộng khoảng 140 ha thuộc địa phận thôn Yên Thành xã Trường Yên. Ðây là cung điện chính mà khu vực đền Ðinh, đền Lê là Trung tâm và cũng chính là nơi vua Ðinh Tiên Hoàng cắm cờ nước. Trước cung điện có núi Mã Yên tương truyền vua Ðinh lấy núi làm án.
Thành Nội thuộc thôn Chi Phong, xã Trường Yên có tên là Thư Nhi xã, nơi nuôi trẻ em và những người giúp việc trong cung đình.
Thành Nam (thành ở phía Nam, từ hang luồn trở vào trong, nằm đối diện và nối liền với khu Thành Ngoại). ở đây xung quanh có núi cao bao bọc, án ngữ phía Nam kinh thành, bảo vệ mặt sau, từ đâybằng đường thuỷ có thể nhanh chóng rút ra ngoài.
Phía Ðông kinh thành có núi Cột cờ, nơi có lá quốc kỳ Ðại Cồ Việt, có ghềnh tháp-nơi vua Ðinh duyệt thuỷ quân, hang Tiền nơi lưu giữ tài sản quốc gia, động Thiên Tôn- tiền đồn của Hoa Lư và là hang nhốt hổ, báo để xử kẻ có tội.
Ðến đời Lê Hoàn đã cho xây thêm nhiều cung điện lộng lẫy: điện Bách Thảo Thiên Tuế, điện Phong Lưu ở phía Ðông, điện Vinh Hoa ở phía Tây, điện Bồng Lai bên tả, điện Cực Lạc bên hữu, lầu Hoả Vân và điện Trường Xuân, điện Long Lộc được lợp ngói làm bằng bạc.
Trải qua mưa nắng hơn 10 thế kỷ, các di tích lịch sử ở cố đô Hoa Lư hầu như bị tàn phá, đổ nát.
Hiện nay chỉ còn lại đền vua Ðinh và đền vua Lê được xây dựng vào thế kỷ XVII.
Ðền vua Ðinh được xây theo kiểu "Nội công ngoại quốc" gồm 3 toà: Bái đường, Thiên Hương- nơi thờ tứ trụ triều đình của nhà Ðinh, Chính Cung-thờ vua Ðinh (ở giữa) bên trái là tượng Nam Việt Vương Ðinh Liễn (con trai cả vua Ðinh), bên phải là tượng Ðinh Toàn và Ðinh Hạng Lang (con thứ vua Ðinh).
Cách đền vua Ðinh 500 mét là đền vua Lê, thờ Lê Ðại Hành (còn gọi là Lê Hoàn). Ðền Lê qui mô nhỏ hơn nhưng cũng có ba toà: Bái Ðường, Thiên Hương- thờ Phạm Cự Lương người đã có công đưa Lê Hoàn lên ngôi, Chính Cung- thờ Lê Hoàn (ở giữa), bên phải là Lê Ngọa Triều (con trai vua Lê), bên trái là Hoàng Hậu Dương Vân Nga. ở trên đỉnh núi Mã Yên Sơn hiện có lăng mộ của vua Ðinh và vua Lê.
Nhà thờ Phát Diệm
Nhà thờ Phát Diệm ở cách Hà Nội 130 km về phía Nam, được xây dựng vào những năm 1875 - 1899.
Ðây là một quần thể kiến trúc phương Ðông gồm có (từ hướng Nam đi vào): Ao hồ, Phương Ðình, Nhà thờ lớn với bốn Nhà thờ cạnh ở hai bên, ba hang đá nhân tạo, Nhà thờ đá, Ao hồ hình chữ nhật, ở giữa là một hòn đảo nhỏ, trên có đài chúa Giê su làm vua.
Phương Ðình là một kiến trúc đồ sộ bằng đá (chiều ngang 24m, chiều sâu 17m, chiều cao 25m), trên vách phía ngoài và phía trong có những bức phù điêu bằng đá. Bên trong phía trên có treo một chiếc trống cái và một quả chuông (đúc năm 1890, cao 1,4m, đường kính 1,1m, nặng gần hai tấn).
Nhà thờ lớn dài 74 mét, rộng 21m, xây năm 1891, có bốn mái và sáu hàng cột gỗ lim. Hai hàng giữa là 16 cột gỗ lim (cao 11m, chu vi 2,35m). Bàn thờ chính là một phiến đá dài 3 mét, rộng 0,9 mét, cao 0,8 mét, trên ba mặt có chạm khắc hoa lá.
Hai bên nhà thờ lớn có bốn Nhà thờ nhỏ hơn, mỗi nhà thờ một kiểu. ở tận cuối phía Bắc là 3 cái hang đá, đẹp nhất là hang đá Lộ Ðức ở phía Ðông Bắc. Sau cùng ở góc phía Tây Bắc là Nhà thờ nhỏ, còn gọi là Nhà thờ đá vì tất cả cột, xà, tường, chắn song, tháp đều bằng đá. Nhà thờ Phát Diệm là một điểm hấp dẫn du khách trong và ngoài nước