Dinh Thống Nhất
Năm 1954 Tổng thống Ngô Ðình Diệm và đại gia đình họ Ngô đã ở và làm việc ngay trong dinh Nôrôđôm. Ðến 27/2/1962 dinh Nôrôđôm bị máy bay ném bom hư hỏng nặng. Ông Diệm đã cho phá huỷ toàn bộ dinh Nôrôđôm, xây dựng một dinh mới hoàn toàn gọi là dinh Ðộc Lập.
Dinh có diện tích sử dụng 4500m2 trên khuôn viên đất rộng 120.000m2 gồm 1 tầng hầm, 3 tầng chính, 2 tầng lửng, 1 sân thượng và lầu nghỉ mát gọi là lầu Tứ Phương. Dinh có 100 phòng, mỗi phòng có cách bài trí riêng theo nội dung từng phòng. Phòng khánh tiết có sức chứa 800 người... Dinh còn có 2 nhà triển lãm với tổng diện tích 2.000 m2, một khu nhà khách 33 phòng , nhà phát điện dự phòng công suất 350 KVA và nhiều điểm dịch vụ vui chơi giải trí khác như sân tennis, khu nhà sàn Tây Nguyên
Nhà Thờ Đức Bà:
Công trình được khởi công xây dựng ngày 7/10/1877 và được khánh thành vào ngày 11/4/1880. Nhà thờ được thiết kế tại Pháp, thi công xây dựng do kỹ sư ngươi Pháp tên là Bourad chỉ huy thực hiện. Tổng kinh phi xây dựng lúc bấy giờ là 2,5 triệu Frances do Thống sứ Nam kỳ cung cấp.
Thánh đường có chiều dài là 133m tính từ cửa ngăn đến cuối phòng đọc kinh, chiều ngang 35m và cao 21m. Lúc đầu, hai tháp có chiều cao tính từ mặt đất là 36,6m. Sau xây thêm hai chóp nhọn lầu chuông 21m nữa, do vậy chiều cao của tháp là hơn 57m (Tháp chuông làm năm 1895). Sáu đại hồng chung, nặng 25.850kg đặt dưới hai lầu chuông.
Ngày 7 và 8 tháng 12 năm 1959, theo sự chấp thuận của toà thánh Vantican, nhà thờ làm lễ "xức dầu" đặt tên là "Vương Cung Thánh Đường"
Địa đạo Củ Chi:
Ðường hầm sâu dưới đất từ 3 - 8m, chiều cao chỉ đủ cho một người đi lom khom. Căn hầm đầu tiên ở ngay bìa rừng có giếng ngầm cung cấp nguồn nước uống và sinh hoạt cho toàn khu vực địa đạo. Giếng sâu 15m, trong vắt. Hệ thống địa đạo gồm 3 tầng, từ đường "xương sống" toả ra vô số nhánh dài, nhánh ngắn ăn thông nhau, có nhánh trổ ra tận sông Sài Gòn. Tầng một cách mặt đất 3m, chống được đạn pháo và sức nặng của xe tăng, xe bọc thép. Tầng 2 cách mặt đất 5m, có thể chống được bom cỡ nhỏ. Còn tầng cuối cùng cách mặt đất 8-10m hết sức an toàn. Ðường lên xuống giữa các tầng hầm được bố trí bằng các nắp hầm bí mật. Bên trên nguỵ trang kín đáo, nhìn như những ụ mối đùn, dọc đường hầm có lỗ thông hơi. Liên hoàn với địa đạo có các hầm rộng để nghỉ ngơi, có nơi dự trữ vũ khí, lương thực, có giếng nước, có bếp Hoàng Cầm, có hầm chỉ huy, hầm giải phẫu... Còn có cả hầm lớn, mái lợp thoáng mát, nguỵ trang khéo léo để xem phim, văn nghệ
Chùa bà Thiên Hậu:
Chùa được cộng đồng người Hoa gốc Tuệ Thanh (Trung Quốc) ở Chợ Lớn xây dựng năm 1760, kiến trúc theo lối Trung Hoa cổ. Tường xây bằng gạch liền mí không hở mạch. Từ màu sắc bên ngoài đến trang trí bên trong, những hình ảnh theo điển tích Trung Hoa với nhiều màu sắc rực rỡ. Đặc biệt phù điêu và tượng bằng gốm tráng men trang trí ở ngoài trời và trên mái nhà hơn 2 thế kỷ vẫn sáng đẹp. Chùa hiện có một chuông đồng đúc từ năm 1796 và một bia đá khắc năm 1859, là số đồ vật cổ quí giá.
Trong chính điện, hai bên cửa thờ Quan Môn (Thần giữ cửa) và Ông Bổn (Thổ địa), giữa thờ Bà Thiên Hậu, hai bên thờ bà Kim Hoa và Long Mẫu Nương Nương, con vua Thuỷ Tề. Ngoài ra còn có bàn thờ Quan Công, thần Tài.
Hàng năm hội vía Bà được tổ chức long trọng vào ngày 23 tháng 3 âm lịch.
Chợ Bến Thành:
Trước khi Pháp xâm chiếm Sài Gòn năm 1859, có một chợ nhỏ nằm ở khu đất đồng lầy kề bên bờ sông Bến Nghé và sát thành Sài Gòn. Từ xuất xứ ấy mà chợ đã mang tên ghép là Bến Thành. Chợ được xây bằng gạch, khung gỗ, lợp tranh. Năm 1870, chợ bị cháy một phần. Năm 1911, chợ cũ bị phá đi, chợ mới được xây khang trang rộng rãi hơn và hoàn thành vào tháng 3/1914.
Sau năm 1975, chợ Bến Thành lại được đầu tư nâng cấp to đẹp lên rất nhiều so với trước. Năm 1985, chợ Bến Thành được sửa chữa lại toàn bộ bên trong, bên ngoài, duy chỉ có dáng vẻ phía trước với tháp đồng hồ được giữ lại như xưa. Hình ảnh chợ Bến Thành với tháp đồng hồ thường được dùng làm biểu tượng cho thành phố.
Giờ đây chợ Bến Thành là một trung tâm buôn bán lớn không chỉ của Sài Gòn mà còn của các tỉnh phía Nam.
Chợ Lớn:
Khi nghe đến tên Chợ Lớn mọi người sẽ nghĩ tới hình ảnh của các xưởng sản xuất thủ công nghiệp nhộn nhịp, tới nơi san sát các hàng quán, tiệm ăn mang phong vị Trung Hoa... Đây là nơi tập trung nhiều người Hoa nhất, họ sinh sống chủ yếu ở quận 5 - nơi còn bảo tồn nguyên vẹn các giá trị văn hóa, kiến trúc và tôn giáo của hàng trăm năm trước. Những mái nhà lợp ngói ống ở dãy phố Hoa kiều cùng với kiến trúc đặc trưng nổi bật lên một nét đẹp rất cổ điển. Khách viếng thăm cảm giác như đang hiện diện trong khu phố cổ nào đó của người Hoa vào những thế kỷ trước.
Ban ngày Chợ Lớn ồn ào náo nhiệt người mua kẻ bán tấp nập. Chợ Lớn độc đáo ở chỗ ngoài việc tham quan, mua sắm, khách du lịch còn được tận mắt chứng kiến một cuộc sống sôi động của những người Hoa di cư đến từ hàng thập kỷ nay, và cả những người được sinh ra và lớn lên ngay trên mảnh đất này.
Mỗi khi nói đi đến Chợ Lớn không có nghĩa là du khách đi chợ mà có thể là vào bất cứ một tiệm ăn nào. Các tiệm ăn có bảng hiệu ghi hai thứ tiếng và đặc biệt là chủ nhà vừa có thể đối đáp với thực khách bằng tiếng Việt, vừa tíu tít gọi người nhà bằng tiếng Hoa. Ở đây du khách còn bắt gặp khuôn mẫu của những ông chủ quán ăn Tàu - đó là một người đàn ông bụng to, khuôn mặt hớn hở với chiếc khăn mặt vắt vai.
Từ những năm xa xưa người dân miền Nam đã có câu: "Ăn cơm Tàu, ở nhà Tây" hoặc dân Sài Gòn thường kháo nhau: "Ăn quận 5, nằm quận 3"... Đặc trưng của các món ăn do người Hoa nấu là nhiều chất bổ dưỡng béo ngậy. Thức ăn trong các nhà hàng đa dạng và tên gọi cầu kỳ.
Khi thành phố lên đèn, Chợ Lớn được bộc lộ rõ nét hơn. Hầu hết các nhà đều mở cửa bán buôn, kinh doanh, dịch vụ. Hàng loạt bảng hiệu được thiết kế với ánh đèn điện tử màu, chớp sáng theo đủ mọi dáng, mọi kiểu.
Thảo Cầm Viên:
Bắt đầu xây dựng vào tháng 3/1864 trên một khu đất rộng 12ha nằm cạnh sông Rạch Lăng (phía đông bắc Sài Gòn) do một chuyên viên khảo cứu thực vật nhiệt đới người Pháp là ông J.B.Louis Pierre phụ trách. Công trình hoàn thành vào năm 1865, trong đó trồng nhiều loại cây quí ở trong nước và trên thế giới, nhập từ ấn Độ, Thái Lan, Lào, Căm-pu-chia như cacao, cafe, vani, một vài giống mía gọi là Jardin Acclimater... Nhiều loại động vật lạ và qúi hiếm được đưa về nuôi ở đây và nơi đây được gọi là Sở thú.
Đến năm 1924, Sở thú được mở rộng thêm 10ha. Ngày 27/11/1927 Pháp cho xây dựng Viện Bảo tàng Blanchard de la Bross trong khuôn viên Sở thú theo thiết kế giống tháp cung điện mùa hè Bắc Kinh.
Năm 1929, Pháp cho xây Temple Du Souvenir có kiến trúc giống như đền thờ lăng tẩm Huế. Trên lầu có thư viện khá rộng. Năm 1956, chính quyền Sài Gòn cho tu sửa và thiết kế lại, viện bảo tàng Blanchard de la Bross được đổi là Viện Bảo tàng Quốc gia Sài Gòn, sở thú đổi là Thảo Cầm Viên.
Từ năm 1989, chuồng trại được cải tạo và mở rộng cho thích hợp với đời sống sinh thái của từng loại thú. Diện tích chuồng trại là 21.352m2. Năm 1990, Thảo Cầm Viên là thành viên chính thức của hiệp hội các vườn Đông Nam á. Năm 1991, khu hoa viên trong Thảo Cầm Viên được thiết lập lại sau nhiều năm bị bỏ hoang. Sau hơn 130 năm xây dựng, Thảo Cầm Viên đã trở thành một vườn thú lớn của cả nước với 590 đầu thú thuộc 125 loài; thực vật có 1.800 cây gỗ thuộc 260 loài, 23 loài lan nội địa, 33 loài xương rồng, 34 loại bonsai và thảm cỏ xanh trên diện tích 20ha, chia ra làm nhiều khu: khu nuôi cầm thú, khu cây cảnh và phong lan, khu vui chơi... Thảo Cầm Viên hàng ngày đón hàng nghìn lượt khách đến tham quan.